“NGƯỜI THƯƠNG BINH MỘT TAY NHẶT RÁC KHÔNG CÔNG”

05/05/2023

-

admin

-

0 Bình luận

Nhiều năm nay, người dân và du khách khi đến với Khu du lịch Ao Vua, thuộc thôn Bát Đầm, xã Tản Lĩnh, huyện Ba Vì, Hà Nội  đều quen thuộc với hình ảnh người đàn ông thương binh trong bộ đồ giản dị, đẩy chiếc xe đạp cũ cùng chiếc bao tải đi xung quanh đường làng, các cánh đồng, mương nước, ao hồ để nhặt và vớt rác. Không quần áo bảo hộ như những người công nhân vệ sinh môi trường khác, chỉ còn một tay trái và đôi chân chắc khỏe, miệt mài tìm rác và nhặt rác. Không nhận một đồng lương, nhưng đều đặn không ngày nghỉ suốt hơn 4 năm trời. Người thương binh đó là ông Bùi Văn Huy. Người dân gọi ông với cái tên thân thương là Ông Huy nhặt rác.

Trước đây, ông Bùi Văn Huy đã có những năm tháng tham gia công an vũ trang đóng quân ở huyện Bình Liêu. Năm 1979, khi tham gia chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc thì ông bị thương, phải cưa đi một cánh tay phải. Xuất ngũ trở về quê nhà, thương binh 2/4 Bùi Văn Huy là trụ cột về kinh tế của gia đình và ông luôn tham gia nhiệt tình các phong trào của địa phương. Ở tuổi 60, nhiều người sẽ chọn việc tận hưởng tuổi già cùng con cháu. Nhưng suy nghĩ của ông Huy rất khác, ông muốn làm một việc gì có ích cho quê hương mình. Chứng kiến cuộc sống hiện đại với khối lượng lớn rác thải nhựa, túi nilon từ hoạt động sản xuất và sinh hoạt của người dân trong thôn xả ra hàng ngày, hàng giờ, cộng thêm việc thiếu ý thức vứt rác bừa bãi đã tác động tiêu cực đến chất lượng môi trường sống, sức khỏe của con người nơi đây, thương binh Bùi Văn Huy quyết tâm góp phần loại bỏ ô nhiễm do rác thải nhựa gây ra.

Ông chia sẻ: “Bát Đầm, Ba Vì quê tôi là thôn có điểm du lịch Ao Vua, có rất nhiều khách du lịch về thăm quan, thời gian đầu, tôi thấy công tác giữ gìn vệ sinh môi trường chưa được người dân quan tâm, xung quanh thôn còn nhiều rác thải, gây ô nhiễm môi trường. Vì thế, tôi đã quyết định đi gom nhặt rác đóng góp một chút sức lực của mình để góp phần bảo vệ môi trường, thay đổi cách nhìn của du khách với bà con thôn quê Bát Đầm”. Nếu trước kia, một mình ông Huy thầm lặng nhặt rác thải nhựa thì giờ đây, xung quanh ông, rất nhiều người hỗ trợ. Không chỉ trang bị hỗ trợ xe rác chuyên dụng để ông thuận tiện trong việc thu gom rác, mà vào các ngày chủ nhật xanh hàng tuần, người dân trong thôn đều cùng ông chung tay phòng chống rác thải nhựa. Trước đây rác nhiều, mỗi ngày, ông Huy thu gom khoảng 100 – 150kg rác thải thì giờ đây lượng rác thải nhựa đã giảm đi đáng kể. Thêm một người nhặt rác, bớt một người xả rác là ý nghĩa việc làm mà ông Huy mang lại. Bởi vì bảo vệ môi trường phải xuất phát từ ý thức mỗi người mới bền vững được.

Chị Nguyễn Thị Minh, thôn Bát Đầm, xã Tản Lĩnh, huyện Ba Vì cho biết: “Lúc đầu, việc làm của ông Huy bị nhiều người dân ở thôn ở xã cho là rỗi công đi lo chuyện của “thiên hạ” nhưng khi thấy công việc ông làm giúp thôn mình thêm sạch đẹp, chúng tôi rất cảm phục, bà con chòm xóm, du khách đều khen ngợi. Chúng tôi rất đồng tình ủng hộ ông và bản thân mỗi người dân trong thôn đã có ý thức hơn khi bỏ rác đúng nơi quy định”.

Còn Ông Bùi Văn Quân sống tại thôn Bát Đầm, xã Tản Lĩnh, huyện Ba Vì nói: “Ông Huy miệng nói, tay làm. Hành động của ông Huy đã lan tỏa đến người dân chúng tôi. Chính sự gương mẫu của ông mà chúng tôi đã thay đổi chính mình, không còn thói quen vứt rác bừa bãi nữa và còn giúp sức cùng ông làm sạch môi trường. Hiện nay diện mạo nông thôn của thôn Bát Đầm đã có nhiều đổi mới, môi trường sạch đẹp hơn, là địa phương tiêu biểu trong xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu ở xã Tản Lĩnh. Góp sức làm nên một làng quê yên bình với không gian sống trong lành có công sức không nhỏ của thương binh Bùi Văn Huy. Với ông, làm đẹp cho đời, sạch những con đường làng ngõ xóm, người lớn có không gian sinh sống văn minh, trẻ con có chỗ nô đùa sạch sẽ, thế là đủ ý nghĩa trong cuộc đời này.

Ông Đoàn Xuân Nam – Bí thư chi bộ, Trưởng thôn Bát Đầm, xã Tản Lĩnh, huyện Ba Vì khẳng định: “Mặc dù là thương binh nhưng ông Huy đã có hành động tốt đẹp mà nhiều người khoẻ mạnh bình thường cũng không làm được. Việc làm của ông Huy đầy tính nhân văn và trách nhiệm với công tác bảo vệ môi trường, mang lại kết quả thiết thực. Nhân dân ở thôn thấy được sự nỗ lực mà ông Huy đang thực hiện nên ý thức hơn trong việc sử dụng rác thải và bỏ đúng nơi quy định. Nhiều năm nhặt rác, được sự hỗ trợ và động viên từ các cấp, ông Huy luôn vững vàng niềm tin về công việc vớt rác của mình, góp phần phấn đấu xây dựng địa phương văn minh, sạch đẹp. Tấm gương của ông đã được người dân trong thôn, trong xã học tập, cùng chung sức bảo vệ môi trường, xây dựng quê hương ngày càng tươi đẹp”.

Câu chuyện ông Huy thương binh tự nguyện nhặt rác thải nhựa là câu chuyện đẹp giữa đời thường, được viết lên bằng những hành động và việc làm tốt đẹp. Phần thưởng lớn nhất dành cho ông chính là sự kính trọng của người dân trong xã về việc làm tử tế của người lính Cụ Hồ, người đã một thời đi qua lửa đạn chiến tranh, giờ lại đang thầm lặng góp sức vì cuộc sống cộng đồng…

Người viết: Nguyễn Thị Hà Trang