Mầm non Hoa Mai – Đống Đa: Bé và ngày Tết hàn thực

20/04/2021

-

admin

-

0 Bình luận

” Hằng năm, cứ đến ngày mồng 3 tháng 3 âm lịch, người dân ở khắp mảnh đất hình chữ S lại nô nức chuẩn bị những đĩa bánh trôi để thắp hương, cúng ông bà tổ tiên. Đây được gọi là ngày Tết Hàn thực, hiểu theo nghĩa chữ Hán, “thực” là ăn, “Hàn” là lạnh, “Tết Hàn thực” có nghĩa là đồ ăn lạnh. Trong ngày 3-3 âm lịch, mọi gia đình Việt đều chuẩn bị những món bánh trôi, bánh chay để dâng lên cúng gia tiên với ý nghĩa nhớ về cội nguồn, biết ơn những người đã sinh thành, giáo dục mình. Vì thế dù ai ở đâu, đi đâu thì đến ngày Tết Hàn thực đều nên trở về với gia đình của mình để cùng nhau sum họp, ngồi bên mâm cơm ấm áp.

Bánh trôi, bánh chay của người Việt được làm từ bột gạo nếp ngon với đường phên. Bột gạo nếp được cho vào cối xay với nước cho mịn, lọc lấy phần bột rồi nặn thành các viên bánh tròn, trắng mịn. Phần nhân bánh là những viên đường phên cắt nhỏ. Nếu không có cối xay, bột có thể đem nghiền bằng máy, tuy nhiên bột được xay bằng cối vẫn đem lại hương vị thơm ngon, mềm mịn nhất.

Bánh trôi sau khi nặn xong sẽ được thả vào nồi nước đang đun sôi trên bếp. Khi bánh nổi lên là đã chín, nhanh tay vớt ra để vào thau nước lạnh để bánh nguội và không bị dính nhau. Bánh được xếp ra đĩa và bày lên ban thờ để cúng.

Còn bánh chay cũng được làm từ bột nếp nhưng không có nhân. Bánh được nặn dẹt nhưng bánh rán sau đó đem luộc chín như bánh trôi. Người ta sẽ nấu thêm nước đường với nước, ít gừng cho sánh lại và múc ra bát sau đó thả những viên bánh chay vào là được. Có người còn rắc thêm ít lạc rang cho thơm.

Công thức làm bánh trôi bánh chay khá đơn giản, chỉ cần bột gạo nếp, đường phên và nhân đậu xanh. Nhưng để viên bánh ngon mát, ngọt lành thì bí quyết nằm ở khâu chọn nguyên liệu. Gạo làm bánh trôi, bánh chay phải là loại gạo nếp cái hoa vàng và pha theo tỷ lệ cứ 8 phần hoặc 9 phần nếp với 1 đến non 2 phần gạo.

Đường để làm nhân bánh trôi ngon nhất phải kể đến đường phên Dương Liễu, Cát Quê. Những miếng đường phên đặc biệt hơn các loại đường thông thường, ấn tượng nhất là miếng đường màu đỏ nâu, rắn đanh và giòn, hương thơm mát.

Cái tài tình của người làm bánh trôi cho ngày Tết Hàn thực là xắt miếng đường sao cho vừa phải, để ăn không quá ngọt, và khi luộc bánh, đường tan vừa đủ. Nếu khi ăn, cắn miếng bánh và thấy lớp đường ngọt mát tứa ra, hòa cùng bột thơm mềm, thì đó là mẻ bánh thành công.

Bánh nặn xong, sẽ được thả vào nồi nước sôi. Bánh chìm xuống rồi nổi lên “ba chìm bảy nổi, chín lênh đênh” là được. Sau đó vớt ra và ngâm trong nước lọc đã đun sôi để nguội cho săn trở lại rồi vớt ra bày lên đĩa.

Để làm bánh chay, vẫn lấy bột vừa làm bánh trôi nhưng nhân là nhân đậu xanh nấu chín trộn đường, dừa sợi. Viên bánh chay to hơn bánh trôi và đựng vào bát chứ không dùng đĩa. Để hoàn tất bát bánh chay, người ta còn cần thêm một công đoạn nữa là quấy chút bột đao với bột sắn dây hoa bưởi, đường để chan vào bát bánh” (Sưu tầm)

Chính vì lẽ đó, hàng năm, cứ mỗi dịp Tết hàn thực, các cô giáo trường MN Hoa Mai lại cùng các bé thực hành trải nghiệm cách làm bánh trôi. Năm nay như thường lệ, vào thứ tư, ngày 14 tháng 4 năm 2021 vừa qua (3-3 âm lịch), các bé lại cùng nhau nặn những chiếc bánh trôi thật xinh với nhiều màu sắc khác nhau. Những ngón tay nhỏ xinh đã giúp các cô tạo ra những đĩa bánh thật đẹp phải không nào? Cùng ngắm lại hình ảnh các bạn với ngày Tết hàn thực này nhé! (Còn nhiều ảnh nữa để trong kho ảnh nữa cơ, hãy cùng nhau khám phá nhé!)

Tin bài: Trường MN Hoa Mai